Giá Trị Nòng Cốt #1: Chúa Giê-xu Cơ Đốc là Trọng Tâm của Đức tin Chúng ta

Giá Trị Nòng Cốt #1: Chúa Giê-xu Cơ Đốc là Trọng Tâm của Đức tin Chúng ta

                Chúa Giê-xu bắt đầu phục vụ khoảng năm 30 CE [Christian Era = Kỷ

                 Nguyên Cơ Đốc] qua việc lập ra một nhóm môn đồ. Suốt ba năm, các

                 môn đồ này sống chung, ăn ở và cùng làm việc với Chúa Giê-xu. Họ

                 quan sát cách Ngài chăm sóc kẻ nghèo, chữa lành người bịnh, ban ánh

                 sáng cho kẻ mù, tha thứ tội nhân và dạy dỗ đám đông. Suốt những năm

                 phục vụ này, cũng như trong những ngày sau khi sống lại, Chúa Giê-xu

                 trở thành trọng tâm của cuộc sống cùng niềm tin của họ. Họ trở thành

                 những tín nhân chấp nhận Chúa Giê-xu làm Thầy-Chủ, Cứu Chúa và

                 Chúa của mình.

Đối với các môn đồ đầu tiên này, làm Cơ Đốc nhân không chỉ có nghĩa làm tín nhân hoặc người thờ phượng, mà phải là người đầy dẫy Thánh Linh, theo Chúa Giê-xu trong nếp sống hằng ngày. Nhờ trung thành với Chúa Giê-xu và có sự hiện diện của Thánh Linh trong đời sống, họ có được thái độ cùng cách sống giống như Đấng Cơ Đốc. Nếu bạn hỏi các môn đồ đầu tiên đó, tôi tin họ sẽ nhiệt tình nói rằng Chúa Giê-xu Cơ Đốc là trọng tâm của đức tin và đời sống chúng tôi!”

Suốt 250 năm, các Cơ Đốc nhân đầu tiên tập chú vào cuộc đời, sự phục vụ, sự chết, và sự sống lại của Chúa Giê-xu. Nhưng rồi trên một trăm năm mươi năm kế tiếp, quá nhiều thay đổi được đưa vào những giá trị nòng cốt của niềm tin Cơ Đốc khiến niềm tin suýt trở thành một tôn giáo khác.5  Đặc biệt có hai người đã trở thành biểu tượng cho sự thay đổi này. Một là chính trị gia. Người kia là nhà thần học.

                  Constantine, chính trị gia, 6  là người lãnh đạo Đế quốc La Mã. Sau kinh

                  nghiệm tâm linh được thấy Chúa Giê-xu, ông ngưng bắt bớ Cơ Đốc nhân

                  và đưa ra những luật lệ cho phép Cơ Đốc giáo trở thành một tôn giáo

                chính thức của Đế quốc La Mã. Tuy nhiên, thay vì nhấn mạnh những lời

                 dạy, gương mẫu cùng sự hiện diện có sức biến cải của Chúa Giê-xu, ông

                 chỉ chú trọng tạo ra những hệ thống giáo lý và phẩm trật để củng cố việc

                   thống nhất đế quốc.

                  Augustine, nhà thần học, 7 nổi bật vài năm sau đó. Một số gọi ông là nhà

thần học lớn nhất của hội thánh trong mấy thế kỷ đầu tiên. Nhưng chính                

ông cũng có quan điểm về Chúa Giê-xu và về niềm tin Cơ Đốc khác với

các môn đồ đầu tiên. Thay vì tập chú vào cuộc đời cùng sự phục vụ của

Đấng Cơ Đốc, hội thánh và các nhà thần học lại lưu ý niềm tin tập chú

vào sự chết của Đấng Cơ Đốc, tách rời hẳn với cuộc đời của Ngài. Thí

dụ, bài Tín Điều Các Sứ Đồ được triển khai trong thời gian này, không hề đề cập lời dạy cùng sự phục vụ của Chúa Giê-xu. Thay vì nói, “Chúa Giê-xu là trọng tâm của đức tin chúng ta,” Augustine cùng những người theo ông có khuynh hướng nói, “Sự chết của Đấng  Cơ Đốc  là trọng tâm của đức tin chúng ta.”

 

Một thay đổi ngoạn mục trong việc hiểu và thực hành niềm tin Cơ Đốc đã diễn ra. Trong khi những Cơ Đốc nhân đầu tiên là một thiểu số bị bắt bớ phải thờ phượng lén lút thì bây giờ họ nhóm họp trong những giáo đường rộng lớn. Trong khi tân tín hữu của hội thánh đầu tiên gia nhập cộng đồng sau khi được huấn luyện và nhận báp têm người lớn, thì bây giờ hài nhi lại được báp têm và mọi công dân đều phải gia nhập hội thánh. Trong khi hội thánh đầu tiên nhấn mạnh việc theo Chúa Giê-xu, thì bây giờ nhấn mạnh vào tín điều cùng niềm tin đúng mức. Thành viên của hội thánh đầu tiên chia sẻ đức tin hằng ngày với láng giềng. Bây giờ thì truyền giáo chủ yếu có nghĩa là mở rộng bờ cõi đế quốc. Trong khi đa số Cơ Đốc nhân thuở trước bác bỏ phục vụ trong quân đội, thì vào lúc Augustine qua đời, chỉ có Cơ Đốc nhân được phép ở trong Quân đội La Mã.

                  Giữa các năm 1200 với 1500 CE, nhiều người và nhóm người bắt đầu

                nhận thấy có thiếu sót nghiêm trọng trong việc hiểu tổng quát về sự cứu

                rỗi và về hội thánh. Martin Luther, một tu sĩ người Đức, được học thông

                suốt về thần học Augustine, là một trong số những nhà cải chánh này. Một

                người nữa là Ulrich Zwingli, mục sư người Thụy Sĩ. Họ đứng ra khởi

                xướng cải tổ.

Luther đặc biệt khó chịu về những việc làm của giới tu sĩ với việc giáo hoàng tuyên bố tha tội và giải thoát khỏi lò luyện tội dựa trên việc làm và việc bán bùa xá tội. Ngày 31 tháng Mười, 1517, với ước muốn kêu gọi bàn luận công khai, ông đã đóng bảng liệt kê 95 luận đề hoặc luận cứ lên cửa nhà thờ tại Wittenberg, nước Đức. Hành động này đã khơi mào cho cuộc Cải Chánh Lớn.8

Luther và Zwingli khẳng định Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất về đức tin lẫn thực hành đối với họ và nhấn mạnh sự cứu rỗi nhờ ân sủng của Đức Chúa Trời, tuy phần lớn chỉ nhờ việc tiếp nhận sự sống đời đời qua việc được tha tội và được xưng công chính trước mặt một Đức Chúa Trời thánh khiết, khắt khe. Không liên quan gì nhiều tới việc tin tưởng vào nếp sống mới hoặc việc gắn bó nhau trong cộng đồng. Họ giảng về nếp sống mới, mà vẫn tiếp tục định nghĩa “Cơ Đốc nhân” là mọi hài nhi đã nhận báp têm của vương quốc, dù có đức tin cá nhân hay không.

                  Một vài học trò của Ulrich Zwingli, kể cả Conrad Grebel, Felix Manz và

                  George Blaurock tiếp tục họp nhau học Kinh Thánh đều đặn tại Zurich,

                  Switzerland. Hans Hut, Hans Denck, Pilgrim Marpeck và Peter

                  Riedermann cũng làm như vậy ở miền Nam nước Đức và Moravia. Sau

                  đó, Menno Simons, một linh mục Công giáo được thay đổi, đã dạy và

                  liên kết các nhóm xuất hiện tại Hòa Lan.9

Trong lúc nghiên cứu, các học viên Kinh Thánh tìm cách trở về với Chúa Giê-xu cùng những môn đồ đầu tiên để tìm hiểu sự sứu rỗi và hội thánh. Hê-bơ-rơ 12:2, “Chúng ta hãy nhìn xem Chúa Giê-xu , Đấng khởi nguyên và hoàn tất đức tin của chúng ta,” trở thành trọng tâm đối với nhiều người. 1 Cô-rinh-tô 3:11, “Chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Chúa Giê-xu Cơ Đốc,” trở thành phương châm cho Menno Simons. Đồng thời, bài Giảng trên Núi, nhờ quyền năng Thánh Linh, được xem là chuẩn mực cho nếp sống Cơ Đốc.

Tuy những Cơ Đốc nhân A-na-báp-tít đầu tiên này xác nhận bài Tín điều các Sứ đồ và phần lớn lời giảng của Luther và Zwingli, nhưng họ thích nói về việc được “tái sanh” hơn là được “xưng công chính nhờ đức tin.” Tuy sự cứu rỗi thực sự là bởi ân sủng Đức Chúa Trời, nhưng họ cho rằng sự cứu rỗi kêu gọi tín nhân phải đáp ứng bằng sự vâng phục. Họ nhấn mạnh rằng sự cứu rỗi được thực hiện qua Chúa Giê-xu và quyền năng của Thánh Linh, dẫn tới sự đổi mới trong nếp sống đạo đức, xã hội và kinh tế của con người. Nếu bạn hỏi những Cơ Đốc nhân A-na-báp-tít đầu tiên đó, tôi tin rằng họ sẽ đồng thanh với các môn đồ đầu tiên, nói rằng “Chúa Giê-xu Cơ Đốc là trọng tâm của đức tin và đời sống chúng tôi!”

Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay? Cơ Đốc nhân theo quan điểm A-na-báp-tít tìm cách áp dụng quan điểm của mình về Chúa Giê-xu theo ba cách quan trọng.

1. Cần phải theo Chúa Giê-xu trong nếp sống hằng ngày.

    Làm Cơ Đốc nhân không chỉ có nghĩa là có được một kinh nghiệm tâm linh, xác nhận một tín điều hoặc được xưng công chính nhờ đức tin. Làm Cơ Đốc nhân có nghĩa là theo Chúa Giê-xu trong nếp sống hằng ngày. Cơ Đốc giáo là nhiệm vụ làm môn đồ! Trong tiếng Đức, gọi là “Nachfalge Christi” hoặc “theo sau Đấng Cơ Đốc.” Hans Denck, một A-na-báp-tít thời đầu, khẳng định rõ ràng khi ông nói, “Chẳng ai có thể thực lòng theo Đấng Cơ Đốc nếu không theo sau Ngài trong nếp sống hằng ngày và chẳng ai có thể theo sau Đấng Cơ Đốc trong nếp sống hằng ngày nếu không thực sự biết Ngài.”10

Được cứu không chỉ có nghĩa là được Đức Chúa Trời tha thứ và được xóa tội để lên Thiên đàng. Khi được cứu, chúng ta được thay đổi từ nếp sống cũ sang nếp sống thể hiện tinh thần cùng hành động của Chúa Giê-xu. Sự cứu rỗi không chỉ là sự thay đổi thái độ của Đức Chúa Trời đối với chúng ta, mà là sự thay đổi trong thái độ cùng hành động của chúng ta đối với Đức Chúa Trời, đối với người khác và đối với thế giới. Sự thay đổi này có được là nhờ sự hiện diện của Thánh Linh bên trong chúng ta, là Đấng ban năng lực cho môn đồ theo Chúa Giê-xu trong nếp sống hằng ngày.

Thật đáng tiếc, nhiều Cơ Đốc nhân, ngay cả sau khi được cứu, vẫn thấy mình là tội nhân vô vọng, không có khả năng sống cuộc đời đổi mới. Một số nói, “Tôi chẳng có gì khác. Tôi chỉ được tha tội thôi.”

Cơ Đốc nhân theo quan điểm A-na-báp-tít, không đồng ý với điều này. Họ tin rằng những lời dạy và Thần Linh Chúa Giê-xu  giúp họ đổi mới và chiến thắng Quyền lực Điều Ác. Cùng với các môn đồ và người A-na-báp-tít đầu tiên, Cơ Đốc nhân ngày nay được khích lệ nói, “Chúa Giê-xu Cơ Đốc là trọng tâm của đức tin và đời sống chúng tôi!”

2. Cần giải thích Kinh Thánh theo quan điểm xoay quanh Đấng Cơ Đốc.

Nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay không nhìn thấy Chúa Giê-xu là sự mạc khải đầy đủ nhất về Đức Chúa Trời và về ý muốn Đức Chúa Trời. Họ có cái gọi là Kinh Thánh “bằng phẳng” cho rằng lời Đức Chúa Trời qua hiểu biết của Môi-se trong Cựu Ước cũng có thẩm quyền như lời phán của Chúa Giê-xu trong Tân Ước. Họ không xem Chúa Giê-xu là Đấng giải thích Kinh Thánh. Khi gặp những vấn đề như chiến tranh, án tử hình hoặc cách đối xử với những người sống lệch lạc, họ thường lấy một bản kinh văn Cựu Ước làm cơ sở cho hành động chính trị hoặc xã hội của mình. Mười Điều răn cùng các Thư tín, dùng hướng dẫn đời sống cá nhân. Dù toàn bộ Kinh Thánh đều được hà hơi, nhưng việc áp dụng thường bị lúng túng.

Những Cơ Đốc nhân khác thì giải thích Kinh Thánh theo quan điểm chế độ đối xử. Để biết ý muốn Đức Chúa Trời, trước tiên họ phải biết phân đoạn Kinh Thánh đó liên quan chế độ hoặc thời điểm nào. Đáng tiếc là cách này thường đẩy lùi việc vâng phục lời dạy của Chúa Giê-xu trong bài Giảng trên Núi và trong những phân đoạn khác, mãi cho tới lúc Đấng Cơ Đốc tái lâm. Còn trong hiện tại thì chỉ thờ phượng Chúa Giê-xu chớ không làm theo lời Ngài mỗi ngày.

Cơ Đốc nhân theo quan điểm A-na-báp-tít tìm cách giải thích toàn bộ Kinh Thánh theo quan điểm đạo đức xoay quanh Đấng Cơ Đốc. Chúa Giê-xu được xem là sự mạc khải trọn vẹn nhất về Đức Chúa Trời và về ý muốn Đức Chúa Trời, có nghĩa là đôi khi những lời dạy của Chúa Giê-xu vượt trên những lời dạy trước đó. Chính Chúa Giê-xu có phán, “Các ngươi có nghe nói. . . nhưng Ta phán cùng các ngươi.” Tác giả thư Hê-bơ-rơ cũng nói “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các nhà tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần, nhiều cách, nhưng trong những ngày cuối cùng này, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài…là ánh sáng rực rỡ của vinh quang Đức Chúa Trời và là hình ảnh trung thực của bản thể Ngài…” Giáo sĩ Peter Kehler có lần nói “Nếu toàn bộ việc làm của Kinh Thánh là giới thiệu Chúa Giê-xu Cơ Đốc cho tôi, thì như vậy là đủ rồi!”11

Cơ Đốc nhân theo quan điểm A-na-báp-tít không phải là những người bám sát vào nghĩa đen. Họ cố gắng hiểu lời thành văn với tinh thần của Chúa Giê-xu. Toàn bộ Kinh Thánh cần được giải thích trong Thần Linh của Chúa Giê-xu. Môn đồ của Đấng Cơ Đốc gặp rắc rối khi hoặc nâng lời thành văn lên cao hơn Thần Linh hoặc nâng Thần Linh cao hơn lời thành văn. Lời và thần cần gắn liền nhau.12

Tuy Cơ Đốc nhân theo quan điểm A-na-báp-tít xem Kinh Thánh là nguồn thông tin tối hậu, nhưng vẫn xem Chúa Giê-xu là thẩm quyền tối hậu cho niềm tin và cuộc sống. Ngài là Chúa của Thánh Kinh và là chuẩn mực cho đạo đức cá nhân lẫn xã hội. Do đó, khi Cơ Đốc nhân có tinh thần A-na-báp-tít đối diện một vấn đề đạo đức, trước tiên họ đến với Chúa Giê-xu để được hướng dẫn trước, rồi sau mới tìm những câu Kinh Thánh để làm nền tảng và để hiểu thêm vấn đề. Nếu hai phân đoạn Kinh Thánh có vẻ mâu thuẫn nhau, thì họ để Chúa Giê-xu làm trọng tài!

3. Cần tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa và Chúa.

Nhiều Cơ Đốc nhân xác nhận Giê-xu là Cứu Chúa của mình nhưng lại yếu đuối trong việc theo Chúa mỗi ngày. Họ trông chờ Chúa Giê-xu cứu họ khỏi thói xấu, nhưng trước những vấn đề lớn về chính trị và xã hội thì họ lại tuân phục người chủ, hoặc lãnh đạo dân sự, tướng lãnh quân sự hay tổng thống. Kết quả là nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay tuân phục mệnh lệnh lãnh tụ trần gian hơn mạng lịnh của Chúa Giê-xu. Cơ Đốc nhân theo quan điểm A-na-báp-tít cho rằng cần phải tuân thủ chính quyền tới mức nhiệm vụ Cơ Đốc cho phép, nhưng khi có xung khắc giữa cách của Chúa Giê-xu với cách của Sê-sa, thì họ phải cố gắng đồng thanh với các môn đồ đầu tiên nói rằng “Chúng tôi thà tuân phục Đức Chúa Trời còn hơn tuân phục uy quyền loài người.”13

Với lòng nhân từ, Đức Chúa Trời giao cho cấp cai trị kiểm soát điều ác và làm điều thiện trong thế gian này. Tuy phải hỗ trợ chính phủ trong công việc của họ và tuân thủ luật lệ, nhưng không có nghĩa là mù quáng tuân thủ bất kỳ mệnh lệnh nào do chính phủ đưa ra. Vì lòng trung thành cao nhất của chúng ta luôn luôn dành cho vương quốc Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu Cơ Đốc là đầu, cho nên đôi khi chúng ta cũng cần phải bất tuân lịnh của chính phủ nếu lịnh đó trái ngược với lời dạy cùng tinh thần của Chúa Giê-xu.

Tóm lại, Cơ Đốc nhân theo quan điểm A-na-báp-tít là người tin Chúa và cùng cố gắng 1) theo Chúa Giê-xu trong nếp sống hằng ngày, 2) giải thích Kinh Thánh theo tinh thần của Chúa Giê-xu, và 3) hứa nguyện tuyệt đối trung thành với Chúa Giê-xu Cơ Đốc. Chúa Giê-xu Cơ Đốc là trọng tâm của đức tin và đời sống chúng tôi. Bạn có phải là Cơ Đốc nhân A-na-báp-tít không?

 


 https://www.vietmenchurch.tk - Vietnamese Mennonite Church © 2010 All rights reserved.

Email: vietmenchurch09@gmail.com - Tel: (084) 8107163