Giá Trị Nòng Cốt # 3: Hòa Giải là Trọng Tâm Việc Làm của Chúng ta

Giá Trị Nòng Cốt # 3: Hòa Giải là Trọng Tâm Việc Làm của Chúng ta

Chúa Giê-xu là Đấng hòa giải, đã đào tạo một nhóm môn đồ thành đại sứ hòa giải. Ngài thấy trước con người sẽ làm tổn thương nhau trong thế gian và ngay cả trong gia đình mới này, cho nên Ngài đã phác họa ra những bước giải hòa được ký thuật trong Ma-thi-ơ 18. Những người bị tổn thương phải đến với nhau cách riêng tư. Nếu không giải quyết được, cần tiến thêm những bước khác.

Trong bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-xu dạy môn đồ rằng sự hòa thuận đích thật đến qua việc tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời trước hết, ăn năn điều sai lầm và đối xử nhau trong tình yêu thương và công lý. Ngài truyền lịnh, “Đừng chỉ yêu kẻ yêu các con. Ngay cả người ngoại giáo còn làm được như vậy! Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con” Ma-thi-ơ 5:43-48.

Lúc kết thúc phục vụ, Chúa Giê-xu phán, “Như Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các con thể ấy” Giăng 20:21. “Hãy đi khắp thế gian và biến muôn dân thành môn đồ, làm báp têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều ta đã truyền cho các con” Ma-thi-ơ 28:18-20. Kết quả là các môn đồ đầu tiên đã đi khắp thế giới quen biết, giảng, dạy và chữa lành để mọi người khắp nơi được hòa giải với Đức Chúa Trời và với nhau.

Một trong những thách thức đối với các Cơ Đốc nhân đầu tiên là sự xung khắc về chủng tộc, tôn giáo và văn hóa giữa người Do Thái với dân Ngoại. Sau khi chứng kiến nhiều gốc dân khác nhau bước vào gia đình Đức Chúa Trời, các Sứ đồ thỏa thuận với nhau về cách giúp cho nhiều thành phần này trở nên một thân và triển khai nền văn hóa hòa bình. Đó là nhờ đức tin nơi Đấng Cơ Đốc, chớ không nhờ luật pháp hay nghi thức.

Chúa Giê-xu dạy các môn đồ đầu tiên cầu nguyện cho kẻ bắt bớ họ và lấy thiện thắng ác. Suốt vài trăm năm đầu, những người theo Chúa Giê-xu khước từ tham gia chiến đấu trong quân đội. Họ hiểu rằng họ được lịnh phải yêu, chớ không giết kẻ thù. Sứ đồ Phao Lô nói, “Mọi điều này đến từ Đức Chúa Trời, là Đấng giảng hòa chúng ta với Ngài qua Đấng Cơ Đốc và đã giao chức vụ giải hòa cho chúng ta.” Nếu bạn hỏi những Cơ Đốc nhân đầu tiên, tôi tin họ sẽ nói Hòa giải người với Đức Chúa Trời và với nhau là trọng tâm việc làm của chúng tôi!

Tuy Constantine xác nhận niềm tin Cơ Đốc và đưa các linh mục vào hàng ngũ

                  của mình, nhưng dường như ông vẫn không thay đổi trong niềm tin cũng

                  như cách sống. Ông vẫn tiếp tục là con người của chiến tranh và đưa

                  toàn bộ quân đội xuống sông để làm báp têm, cho dù nhiều người và

                  có thể là hầu hết, chẳng hề thay đổi trong niềm tin, trong các mối liên hệ

                  và trong cách sống. Thay vì tìm cách chinh phục kẻ chưa tin về với Đấng

                Cơ Đốc bằng tình yêu và sự phục vụ, ông có ý định chinh phục họ nhằm

                lợi lộc chính trị.

                  Augustine quá lo lắng những vấn đề đạo đức cá nhân như say sưa, tham

                  lam, cờ bạc và ngoại tình, lời dạy cùng sự thực hành hòa bình của ông

                  trước kia tuyệt đối chỉ áp dụng trong hội thánh, thì bây giờ liên kết chặt

                  chẽ với toàn đế quốc. Tuy biết rằng bạo lực không phải là cách của Chúa

                  Giê-xu, nhưng ông vẫn bắt đầu triển khai cái được gọi là thuyết “Chiến

                  Tranh Công Chính,” cho rằng trong vài trường hợp, Cơ Đốc nhân có thể

                  tham gia bạo lực và chiến tranh. Thuyết chiến tranh “công chính” này vẫn

                  còn là lập trường căn bản của hầu hết Cơ Đốc nhân.

                  Luther, Zwingli, và Calvin bước theo nhiều dấu chân của Augustine. Họ

                  nhấn mạnh sự tha thứ cá nhân, tuân phục Mười Điều răn và đồng ý với

                Thuyết Chiến Tranh Công Chính. Họ thiếu sót trong việc dạy và thực

                hành truyền giáo, hòa thuận và hòa giải. Kết quả là các nhà cải chánh này

                thất vọng khi hầu như không thể thấy được sự khác biệt trong cách cư xử

                của Cơ Đốc nhân với cách của người chưa tin.

                  Cơ Đốc nhân A-na-báp-tít thời đầu dưới quyền lãnh đạo của Menno

                  Simons và những người khác, tin rằng qua mối liên hệ cá nhân với Chúa

                  Giê-xu và một cộng đồng tuân phục đầy đẫy Thánh Linh, cách cư xử của

                  con người có thể giống như Đấng Cơ Đốc. Họ nhấn mạnh hòa thuận với

                  Đức Chúa Trời và với kẻ thù. Họ tin rằng Kinh Thánh, tức Gươm Thánh

                  Linh, phải là vũ khí duy nhất đối với họ.

Theo cách riêng, phong trào A-na-báp-tít là phong trào ơn tứ hoặc đầy dẫy Thánh Linh của thế kỷ mười sáu.18 Bậc lãnh đạo A-na-báp-tít nói về quyền năng biến cải của Thánh Linh nhiều hơn những nhà cải chánh khác. Họ tin rằng Thánh Linh ban quyền năng cho họ để làm môn đồ, truyền giáo và hòa giải.

Phong trào A-na-báp-tít cũng là phong trào truyền giáo của thế kỷ mười sáu. Với nhiệt tình truyền giáo, cấp lãnh đạo chủ chốt đã hi sinh tính mạng đi khắp Âu châu tìm cách hòa giải con người với Đức Chúa Trời và với nhau.19 Hàng ngàn người đã đáp ứng. họ bước vào mối liên hệ cá nhân với Chúa Giê-xu và gia nhập các nhóm thông công A-na-báp-tít đang xuất hiện trên gần khắp Âu châu.

Trên nhiều phương diện, phong trào A-na-báp-tít cũng là phong trào công lý xã hội của thế kỷ mười sáu. Cấp lãnh đạo và người theo họ, giải quyết nhiều vấn đề kinh tế và xã hội đặt ra bởi nông dân là những người đang chống lại bản chất độc tài của hệ thống phong kiến.20  Các nông dân được biến cải đã tập họp thành nhiều hội chúng nhỏ để tìm giải pháp thay cho Đế quốc và hệ thống phong kiến.

Qua việc học Thánh Kinh và theo Chúa Giê-xu, hầu hết Cơ Đốc nhân A-na-báp-tít tin rằng tham gia chiến tranh và cư xử bằng bạo lực là sai. Giống như các môn đồ đầu tiên, họ từ chối tham gia quân đội cho dù kẻ thù của văn minh phương tây đang ở ngay các cổng của Vienna. Thay vì đánh lại kẻ bắt bớ mình, họ đã tự chọn theo gương Chúa Giê-xu là Đấng “không trả đũa khi bị người khác lăng nhục và không hề hăm dọa khi phải chịu khổ” 1 Phi-e-rơ 2:23.

Nếu bạn hỏi họ, tôi tin Menno Simons và hầu hết Cơ Đốc nhân A-na-báp-tít đầu tiên sẽ đồng thanh với các môn đồ đầu tiên trả lời rằng Giải hòa con người với Đức Chúa Trời và với nhau là trọng tâm việc làm của chúng tôi!

Điều này có ý nghĩa gì ngày nay? Cơ Đốc nhân theo quan điểm A-na-báp-tít tin rằng:

1. Tiếp nhận Chúa Giê-xu dẫn tới nếp sống được biến đổi.

Tiếp nhận Chúa Giê-xu làm thay đổi cách suy nghĩ, tình bạn cùng cách sống của con người. Tân tín hữu được “sanh lại” bằng cách “đầu phục Đấng Cơ Đốc tối đa theo khả năng cùng mức hiểu biết của họ.”21 Khi làm như vậy, họ nhận được sự khởi đầu mới trong cuộc sống, với những giá trị cùng năng lực mới. Khi tiếp tục ngày càng trung thành hơn với Đấng Cơ Đốc, họ được thay đổi trong tâm trí, tình cảm, thuộc thể và xã hội. Điều này khiến họ khác biệt rất rõ rệt so với thế gian.

Giống như Đức Chúa Trời chủ động trong Chúa Giê-xu Cơ Đốc để tự làm hòa với chúng ta và mời gọi chúng ta bước vào gia đình của Ngài, Cơ Đốc nhân theo quan điểm A-na-báp-tít ngày nay cũng phải tìm cơ hội mời gọi người khác tiếp nhận Giê-xu làm Cứu Chúa và Chúa. Họ được sai đi để môn đồ hóa người khác, làm báp têm cho họ và dạy họ những điều chính mình đã học được. Họ muốn cho mọi người mình quen biết đều được hòa giải với Đức Chúa Trời, được nhận làm con nuôi trong gia đình của Ngài, và được biến đổi trong cách sống.

2. Người được biến đổi “suy nghĩ hòa giải.”

            Những người được biến đổi “suy nghĩ hòa giải” và tham gia trong các công tác phục vụ giảng hòa. Khi gặp ai đang xung khắc với Đức Chúa Trời, với hàng xóm, với bạn cùng làm việc hoặc với thành viên trong gia đình, thì họ không mau mắn lên án phe này và đứng về phe kia ngay. Họ “nghĩ tới hòa giải.” Tâm trí họ bận lo nghĩ tới cách giải hòa con người với Đức Chúa Trời, với nhau, và với toàn thể địa cầu.

Cơ Đốc nhân phải là nguồn phước cho mọi người đến từ mọi bối cảnh, phái tính và niềm tin khác nhau. Giải quyết vấn đề và hòa giải xung khắc là trọng tâm việc làm của họ. Có nghĩa là có thể họ phải tìm hiểu nguyên nhân xung khắc và giúp các bên hoà giải xung khắc đó, qua việc chăm chú lắng nghe, thành thật nhận lỗi, tha thứ vô kỷ và bồi thường thích đáng. Tuy nhiên, những người cam kết làm việc này cần tự nhắc nhở rằng họ không thể giúp người khác tiến xa hơn việc mà chính bản thân mình đã làm. Dù có tìm cách giúp hoà giải người khác, chính họ cũng cần phải tiếp tục tìm hiểu nhu cầu thay đổi trong chính bản thân mình.

3. Người được biến đổi làm việc cho hòa bình.

Trong khi một số Cơ Đốc nhân cho rằng truyền giáo là trọng tâm việc làm của mình, thì người khác lại nhấn mạnh trọng tâm là làm hòa. Hai khía cạnh quan trọng này của niềm tin Cơ Đốc có thể kết hợp trong khái niệm hòa giải. Mục đích của Đức Chúa Trời là “khiến muôn vật làm hòa với Ngài qua Đấng Cơ Đốc” Cô-lô-se 1:19.

Chúa Giê-xu dùng lời nói, hành động chăm sóc và phi bạo lực, không dùng vũ khí của đời này để hòa giải xung khắc và đưa con người vào gia đình Đức Chúa Trời. Mọi lúc, mọi nơi, chúng ta được kêu gọi bắt chước gương mẫu và tinh thần của Chúa Giê-xu. Chúng ta phải có “thái độ giống như Chúa Giê-xu Cơ Đốc” Phi-líp 2:5.

Chính nhờ họ quan niệm sự cứu rỗi là thay đổi, mà Cơ Đốc nhân theo quan điểm A-na-báp-tít đã từ chối tham gia chiến tranh và chấp nhận lập trường hòa bình. Trong khi chiến thuật hiện đại dạy binh lính nói dối, ganh ghét và hủy diệt, thì những người có tâm trí và tinh thần được Chúa Giê-xu thay đổi, sẽ từ chối làm những việc đó cho dù chính quyền có ra lịnh phải làm. Thà họ tìm cách lấy thiện thắng ác. Lịch sử và kinh nghiệm cho thấy bạo lực chỉ dẫn tới bạo lực. Bạo lực chỉ có thể giảm thiểu bằng bất bạo động và bằng cách sửa sai những bất công thúc đẩy bạo lực.

Những người theo Chúa Giê-xu đã được thay đổi, phải “chống” điều ác thật mạnh mẽ hoặc thậm chí còn mạnh hơn bất kỳ người nào khác. Nhưng họ cần “chống” theo cách khác thường. Họ được khuyến khích đồng thanh với Sứ đồ Phao Lô, nói rằng “Chúng tôi dù sống trong thế gian nhưng không chiến đấu theo cách của thế gian. Vũ khí  chúng tôi dùng để chiến đấu không phải là vũ khí của thế gian” 2 Cô-rinh-tô 10:3-4.

Đáng tiếc, hàng triệu người đã chết và vẫn đang chết vì cớ Cơ Đốc nhân tham gia chiến tranh thay vì phục vụ như người hòa giải. Cơ Đốc nhân theo quan điểm A-na-báp-tít sẽ tự nguyện yêu kẻ thù, cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ mình và thắng điều ác “Chẳng phải bởi quyền thế, cũng chẳng phải bởi năng lực, mà bởi Thần ta’ Chúa Toàn năng phán vậy” Xa-cha-ri 4:6.

Tóm lại, Cơ Đốc nhân theo quan điểm A-na-báp-tít tin rằng 1) tiếp nhận Giê-xu làm Cứu Chúa và Chúa, dẫn tới nếp sống thay đổi, 2) những người được thay đổi sẽ “suy nghĩ hòa giải” khi gặp xung khắc và 3) những người được thay đổi sẽ muốn chia sẻ niềm tin như nhà truyền giảng phúc âm và làm việc vì hòa bình như người hòa giải mọi lúc mọi nơi. Hòa giải là trọng tâm việc làm của chúng tôi. Bạn có phải là Cơ Đốc nhân A-na-báp-tít không?

 


 https://www.vietmenchurch.tk - Vietnamese Mennonite Church © 2010 All rights reserved.

Email: vietmenchurch09@gmail.com - Tel: (084) 8107163