Giá Trị Nòng Cốt # 2: Cộng đồng là Trọng Tâm Cuộc Sống của Chúng ta

Giá Trị Nòng Cốt # 2: Cộng đồng là Trọng Tâm Cuộc Sống của Chúng ta

Một trong những việc đầu tiên Chúa Giê-xu đã làm khi Ngài bắt đầu phục vụ, là lập ra một cộng đồng. Ngài mời gọi Phi-e-rơ và Anh-rê, rồi sau là Gia-cơ và Giăng theo Ngài. Ngay sau đó Ngài chọn mười hai môn đồ trong số nhiều người theo Ngài. Họ cùng nhau học tập, ăn ở, đi lại và phục vụ cho tới ngày Ngũ Tuần, và trở thành nòng cốt cho một xã hội mới gọi là hội thánh. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2 chúng ta thấy các tín nhân

đầu tiên mỗi ngày họp lại với nhau không chỉ trong Đền thờ mà còn tại nhà riêng để dùng bữa với lòng vui vẻ, chân thành, ngợi khen Đức Chúa Trời và được ơn trước mặt mọi người.

 

Hội thánh thời Tân Ước cho thấy một cách sống khác, trước những thực tại tôn giáo và chính trị thời đó. Thờ phượng và dạy dỗ quan trọng liên quan với cách sống này, được thực hiện trong hành lang đền thờ, còn tại gia thì họ dùng bữa và chia sẻ cho nhau trong tình thông công thân mật.

Rõ ràng là Chúa Giê-xu muốn người theo Ngài không chỉ tin nhận mà còn có ý thức gắn bó với nhau. Ngài đề cập người theo Ngài bằng những thuật ngữ trong gia đình.

Người ngoài lấy làm ngạc nhiên trước công việc Đức Chúa Trời làm bên trong và qua các Cơ Đốc nhân đầu tiên này. Họ có ơn tứ, nhận thức sáng suốt cùng sức mạnh để tiếp tục làm điều Chúa Giê-xu đã khởi đầu trong khi Ngài còn ở với họ. Nếu bạn hỏi những môn đồ đầu tiên đó của Chúa Giê-xu, tôi tin họ sẽ nói, Cộng đồng xoay quanh Chúa Giê-xu là trọng tâm cuộc sống của chúng tôi!”

                  Khi Constantine xuất hiện, tính chất của hội thánh bị thay đổi. Thay vì

                  nhấn mạnh hội thánh là gia đình của những anh chị em họp lại để học

                  Kinh Thánh, chia sẻ và cầu nguyện, thì lại nhấn mạnh cách tổ chức và

                  giáo lý đúng mức. Đông đảo người được báp têm, dù không thực sự theo

                  Chúa Giê-xu. Kết quả là thay vì hội thánh ở trong thế gian, thì “thế gian” ở

                  trong hội thánh.

Được mẹ khuyến khích và hỗ trợ, Constantine bắt đầu xây giáo đường ngay trên những địa điểm Chúa Giê-xu sinh ra và chịu chết. Một số người nói, giống như người La Mã xây đền đài cho các thần của họ, thì Cơ Đốc nhân cũng bắt đầu xây Giáo đường để làm đền đài tôn thờ Chúa Giê-xu. Theo thời gian, nhiều hội thánh với những cơ sở lộng lẫy và tổ chức phức tạp đã trở thành chính yếu, thay cho các nhóm nhỏ thân mật. Cuối cùng, hầu như tỉnh nào ở Âu châu cũng có một giáo đường đồ sộ được xây lên.

                  Augustine phải khó khăn lắm mới nuôi dưỡng được nếp sống cá nhân

                  vâng phục trong bối cảnh một xã hội mà ai cũng được xem là Cơ Đốc

                  nhân như vậy. Đối với ông cùng những người theo mình, không thể nào

                  phân biệt những người trong thân Đấng Cơ Đốc với người ngoài. Ông

                  nói, “Lúa mì với cỏ lùng mọc chung.” Hơn nữa, Từ “thân Đấng Cơ Đốc”

                  ngày càng trở thành hạn chế, để chỉ về bánh và rượu trong tiệc thánh

                  thay vì chỉ về những cộng đồng theo Chúa Giê-xu. Kết quả là thay vì gắn

                  bó học hỏi, chia sẻ và phục vụ, việc tham gia tiệc thánh trở thành kinh

                  nghiệm chính về hội thánh.

Từ đó xuất hiện đức tin thánh lễ. Để được tha nguyên tội, cần phải nhận thánh lễ hoặc nghi thức báp têm. Để được tha tội về sau, tín nhân cần lễ tiệc thánh. Qua bao thế kỷ, suy nghĩ này còn dẫn tới quan niệm cho rằng con người phải mua bổng lộc từ giáo hoàng và cầu nguyện với các thánh.

 

Ý tưởng gắn bó với Đấng Cơ Đốc và với nhau trong một cộng đồng khắng khít hầu như đã tan biến. Những ai muốn vâng phục theo Chúa Giê-xu trong cuộc sống hằng ngày và sống khắng khít với cộng đồng, thì chọn làm nam và nữ tu sĩ sống trong nam và nữ tu viện. Điều này tạo nên ấn tượng cho rằng theo Chúa Giê-xu trong nếp sống hằng ngày và sống với nhau trong cộng đồng là chuyện bất khả thi đối với người thường.

                  Martin Luther và các nhà cải chánh khác, lúc đầu dự tính cải tổ hội thánh

                  theo nền tảng Kinh Thánh. Họ tự tách biệt khỏi các thế lực độc tài của La

                  Mã và bắt đầu dạy về báp têm cho người lớn, tuyên xưng đức tin, cùng                            vai trò thầy tế lễ của mọi tín nhân. Nhiều người theo Luther và Zwingli

                  cũng hăng hái thoát khỏi hệ thống phong kiến tàn bạo thời bấy giờ. Khi

                  một số nông dân dùng vũ khí thách thức những việc làm bất công của các lãnh chúa và những ông hoàng phong kiến, thì Luther và Zwingli, vì lo cho trật tự, đã đứng về phe cai trị. Làm như vậy, họ đánh mất lòng tin của nhiều nông dân và tạo nên một liên minh mới giữa giáo hội với chính quyền.

Cuộc chiến nông dân cùng những áp lực chính trị đã ngăn cản Luther và Zwingli thực hiện nhiều cải tổ như dự tính. Cuối cùng, họ quay về với cơ cấu của Constantine và với phần lớn thần học cùng đạo đức của Augustine. Có nghĩa là duy trì giáo hội nhà nước như là chính sách của giáo hội, giáo đường là cơ cấu của giáo hội, báp têm hài nhi là nghi thức gia nhập hội thánh và dùng gươm làm dụng cụ kỷ luật. Về thần học, họ giữ quan điểm xem Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước có giá trị bằng phẳng để hiểu ý chỉ của Đức Chúa Trời.

                  Những người A-na-báp-tít đầu tiên, kể cả Menno Simons, thất vọng về

                  tình trạng chưa hoàn chỉnh của cuộc Cải chánh. Họ không muốn chỉ tổ

                  chức lại hội thánh theo những cơ cấu khởi xướng bởi Constantine với

                  thần học khởi xướng bởi Augustine. Họ muốn khôi phục hội thánh theo

                  khuôn mẫu và hình thức nguyên thủy của thời Tân Ước!

Do bị bắt bớ, Cơ Đốc nhân A-na-báp-tít thời đầu, giống như những Cơ Đốc nhân  đầu tiên, phải họp lén lút để học Kinh Thánh, chia sẻ và cầu nguyện. Tuy nhiên, tại gia cũng như trong những bối cảnh khác, họ thường kinh nghiệm sự hiện diện của Đấng Cơ Đốc ngay giữa vòng họ và vui vẻ chân thành thông công với nhau. Tân tín hữu gia nhập bằng cách đặt niềm tin nơi Chúa Giê-xu và hứa nguyện theo Ngài trong nếp sống hằng ngày. Họ được báp têm và nhận vào một cộng đồng cụ thể nơi họ ý thức mạnh mẽ sự gắn bó.

Cơ Đốc nhân A-na-báp-tít thường nói về quyền năng để sống khác biệt. Tha thứ có nghĩa là gỡ bỏ tường thành xúc phạm không chỉ giữa họ với Đức Chúa Trời mà còn giữa họ với nhau trong hội thánh. Cùng dự Tiệc thánh với nhau trở thành một kinh nghiệm có được là nhờ sự tha thứ của Đức Chúa Trời và sự tha thứ đối với nhau.

 

Những người A-na-báp-tít đầu tiên đòi hỏi “nếp sống thánh thiện” nơi mọi thành viên và nhất là nơi bậc lãnh đạo. Không chỉ được tha tội, họ mô tả Cơ Đốc nhân trung thành là những người đã ăn năn tội và hiện đang có nếp sống đạo đức cao, nhờ kết quả của sự cứu rỗi và sự hiện diện của Thánh Linh. Những người không theo Chúa Giê-xu trong cuộc sống hằng ngày hoặc vẫn tiếp tục trong nếp sống không giống như Đấng Cơ Đốc, thì bị trục xuất khỏi thân của Đấng Cơ Đốc.

Những người A-na-báp-tít đầu tiên thường họp nhau trong hang động và trong những bối cảnh nhóm nhỏ, nơi họ ý thức được sự hiện diện của Thánh Linh, nghiên cứu Kinh Thánh để làm nền tảng trao đổi với nhau về cách sống. Sau khi nghiên cứu sáu mươi hai luận văn tiến sĩ về khởi điểm và tư tưởng A-na-báp-tít, Mục sư Yamada, một học giả từ Nhật Bản, tin rằng “nét độc đáo của Hội thánh Đầu tiên và người A-na-báp-tít đầu tiên là, họ họp nhau trong những nhóm nhỏ, để đối đầu nhau và giúp nhau mạnh đủ để đối đầu với thế gian.”13

Quan điểm A-na-báp-tít xem hội thánh gồm toàn những tín nhân được biến cải trung thành với nhau trong những cộng đồng giao ước, là mối đe dọa đối với cấp lãnh đạo cả Tin Lành lẫn Công Giáo. Kết quả là, nhiều bậc lãnh đạo A-na-báp-tít bị bỏ tù và bắt bớ nghiêm trọng. Trên 4000 người đã tuận đạo vì đức tin khi họ bị dìm chết đuối, chặt đầu hoặc thiêu sống bên cọc.14

Tính đa dạng lộ rõ giữa vòng những người A-na-báp-tít đầu tiên này. Một số quá lo cho kỳ tận thế. Người khác thì chuyển sang bạo lực. Một nhóm ở Muntzer, nước Đức, còn tiến tới chỗ thay cả hội đồng thành phố bằng mười hai trưởng lão khởi xướng tục đa thê, lưu hành tiền mới và tự xưng mình là Ít-ra-ên Mới và dùng vũ khí để tự vệ. Việc nhấn mạnh nhóm thiểu số này dẫn tới kết cuộc đẫm máu thê thảm, gây tiếng xấu cho Cơ Đốc nhân Mennonite và A-na-báp-tít, vẫn còn kéo dài tới ngày nay trong vài giới.

Ý thức mạnh mẽ được gắn bó với Chúa Giê-xu cùng sự trung thành hỗ trợ nhau, đã giúp Cơ Đốc nhân A-na-báp-tít thời kỳ đầu tận tình sống đạo đức trong bối cảnh một thế giới thù địch. Nếu bạn hỏi họ, tôi tin họ sẽ đồng lòng nói như các môn đồ đầu tiên, Cộng đồng xoay quanh Đấng Cơ Đốc là trọng tâm của cuộc sống chúng tôi!”

Trong thế giới ngày nay, Cơ Đốc nhân có quan điểm A-na-báp-tít hiểu và thể hiện cộng đồng xoay quanh Đấng Cơ Đốc theo ba cách khá rõ ràng.

1. Tha thứ là điều thiết yếu trong cộng đồng.

Vấn đề chính của nhân loại không phải là thiếu tài chính, thiếu giáo dục hoặc thiếu năng lực. Vấn đề chính là chúng ta gây tổn thương cho nhau. Ngay từ khởi thủy, con người cả cá nhân lẫn hội đoàn, đã xúc phạm Đức Chúa Trời và xúc phạm nhau qua thái độ cùng hành động gây tổn thương. Điều này phá vỡ mối liên hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời, với nhau, với cái tôi bên trong và với toàn thể địa cầu. Làm sao giải quyết được vấn đề này?

Chúa Giê-xu đã đến để chúng ta có được sự sống và sự sống sung mãn hơn. Điều này diễn ra khi chúng ta được hòa giải với Đức Chúa Trời và với nhau. Chúa Giê-xu đã tha thiết cầu xin sự hòa thuận và hiệp nhất, giữa vòng kẻ theo Ngài, giống như giữa Ngài với Cha Ngài.

Bước ngoặc trong việc giải quyết sự tổn thương thường có được, khi một bên thành thật ăn năn và xin được tha thứ. Xưng tội và tha thứ sẽ giải tỏa rào cản vốn ngăn trở sự thông công với Đức Chúa Trời và với nhau.

Tha thứ không chỉ cần thiết cho việc hòa giải với Đức Chúa Trời và cất bỏ tội lỗi, mà cũng cần thiết cho việc tạo nên cộng đồng. Cảm nhận ấm áp về cộng đồng cùng mọi lợi ích của cộng đồng xuất hiện, khi chi thể trong thân Đấng Cơ Đốc cam kết cầu xin sự tha thứ cho nhau.

Đáng tiếc là đối với người không theo Chúa, xưng tội và tha thứ phần lớn bị lơ là. Thường là phủ nhận và tự vệ thay cho thành thật xưng tội và xin sự tha thứ. Con người cố gắng quên mà không tha thứ.

2. Cần giải thích Kinh Thánh trong cộng đồng.

Nhiều Cơ Đốc nhân xem những mục sư, linh mục và giảng viên được đào tạo như những người duy nhất có khả năng giải thích Kinh Thánh đúng mức. Kết quả là tín đồ thường lơ là việc học Kinh Thánh và việc áp dụng cho cá nhân.

Những Cơ Đốc nhân khác thì chỉ nghiên cứu và giảng dạy riêng tư. Đáng tiếc là khi cá nhân giải thích Kinh Thánh riêng tư, họ thường nhầm lẫn và hiểu sai.

Cơ Đốc nhân có quan điểm A-na-báp-tít tin rằng Kinh Thánh cần được nghiên cứu riêng tư cũng như trong bối cảnh cộng đồng có Thánh Linh soi dẫn. Trong khi các thành viên cùng học chung với nhau trong nhóm nhỏ, trong lớp hoặc hội họp, ý nghĩa Kinh Thánh sẽ trở nên rõ ràng hơn và dễ áp dụng hơn đối với từng hoàn cảnh cá nhân.

3. Nơi cảm nhận cộng đồng là trong nhóm nhỏ.

Đôi khi hội thánh được mô tả như con chim có hai cánh. Một cánh là cả một hội chúng rộng lớn, nhấn mạnh mối liên hệ theo chiều thẳng đứng với Đức Chúa Trời thánh khiết siêu việt của chúng ta. Cánh kia gồm những nhóm nhỏ nhấn mạnh những mối liên hệ theo chiều nằm ngang, gần gũi nhau.15  Các hội chúng cần cấu trúc theo cách giúp tín nhân có thể liên hệ với Đức Chúa Trời và với nhau cả trong nhóm rộng lớn lẫn trong những bối cảnh nhỏ hẹp mặt đối mặt.

Trong khi hội thánh sau thời Constantine có khuynh hướng chỉ nhấn mạnh nhóm tập họp rộng lớn, thì người A-na-báp-tít, vì hoàn cảnh, kinh nghiệm được hội thánh chủ yếu trong bối cảnh thông công nhỏ hẹp tại gia. Kết quả là họ được thành hình phần lớn theo thể thức riêng với địa điểm thần học riêng.

Đức Chúa Trời chúng ta là Đấng sống trong cộng đồng muốn chúng ta cũng kinh nghiệm được những niềm vui trong cộng đồng. Nếu hội thánh là nơi chúng ta kinh nghiệm tình thông công và khích lệ, thì điều này thường diễn ra  thích hợp nhất trong những cộng đồng mười hai người hoặc ít hơn, nơi mà các thành viên biết rõ nhau. Nếu hội thánh là nơi chúng ta trao đổi lời khuyên cho nhau, thì việc này có thể thực hiện hiệu quả nhất trong các nhóm nhỏ học Kinh Thánh ngồi đối diện nhau. Nếu hội thánh là nơi chúng ta phát hiện ra ơn tứ và cùng làm việc trong các kế hoạch phục vụ, thì điều này cũng thường diễn ra thích hợp nhất qua những nhóm nhỏ. Đa số những hội chúng lành mạnh ngày nay thực sự là mạng lưới những nhóm nhỏ.16 Một số còn đi xa hơn, cho rằng nhóm nhỏ là đơn vị cơ bản của hội thánh.

Tóm lại, Cơ Đốc nhân có tinh thần A-na-báp-tít có khuynh hướng xem 1) tha thứ là thiết yếu đối với cộng đồng, 2) đối thoại trực tiếp là cần thiết khi giải thích Kinh Thánh, và 3) thông công nhóm nhỏ là cần thiết cho sự sống của hội thánh. Tin nhận Chúa Giê-xu, gắn bó với hội thánh, và cư xử theo cách mới, trở thành thực tế trong bối cảnh nhóm họp chung với nhau.17 Họ kinh nghiệm được cộng đồng xoay quanh Đấng Cơ Đốc là trọng tâm của đời sống họ! Bạn có phải là Cơ Đốc nhân có tinh thần A-na-báp-tít không?

 


 https://www.vietmenchurch.tk - Vietnamese Mennonite Church © 2010 All rights reserved.

Email: vietmenchurch09@gmail.com - Tel: (084) 8107163