Nữ sinh Việt: Sinh viên VN cần được tôn trọng quyền tự do

Nữ sinh Việt: Sinh viên VN cần được tôn trọng quyền tự do

Loan và Giang cho rằng các bạn sinh viên các nước khác, thậm chí cả những bạn đến từ những nước nghèo hơn Việt Nam, có kiến thức rộng hơn sinh viên Việt Nam.

Trong chuyên mục Câu chuyện Phụ nữ kỳ trước, Minh Anh đã có dịp giới thiệu đến quí vị trường Đại học Châu Á dành cho Phụ nữ, AUW, với mục tiêu đào tạo các nữ lãnh đạo tương lai cho khu vực này. Hai nữ sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường AUW nói rằng nếu sau này trở thành lãnh đạo Việt Nam thì điều đầu tiên họ làm sẽ là cải cách hệ thống giáo dục để sinh viên Việt Nam được tôn trọng quyền tự do hơn và được trang bị nhiều kiến thức của các thể chế chính trị khác nhau trên thế giới.

Các nước phương tây có nền kinh tế và giáo dục tiên tiến luôn là lựa chọn hàng đầu của các du học sinh Việt Nam. Theo một khảo sát mới đây của công ty nghiên cứu thị trường ở Việt Nam thì Úc là quốc gia được các bạn học sinh quan tâm nhiều nhất khi có ý định du học, tiếp theo là Mỹ, Anh, Singapore và Nhật Bản. 

Bangladesh, một trong những đất nước kém phát triển nhất trên thế giới, không hề có tên trong danh sách các nước được các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam quan tâm. Thế nhưng, đó lại là lựa chọn của hai bạn Trần Hương Giang và Bùi Thụy Thiên Loan. Họ là hai trong số 17 sinh viên Việt Nam đầu tiên được cấp học bổng và đang theo học tại trường đại học Châu Á dành cho Phụ nữ, AUW, có trụ sở ở Bangladesh này. 

Hương Giang giải thích về lý do lựa chọn trường đại học này của cô:

“Đầu tiên khi mà em nhận được cái hỏng bổng này thì em cũng suy nghĩ nhiều lắm. Vì cái nước này mới đầu mình nghe tên mình nghĩ nó là một đất nước Hồi giáo cho nên gia đình cũng sợ và cũng hỏi tại sao mà lại đến một đất nước như thế này. Nhưng mà khi mà nhìn vào tên của trường thì biết là trường này dành cho phụ nữ và thực chất nó chỉ đặt ở đất nước này thôi. Em nghĩ đến đây mình sẽ có cơ hội học hỏi những nước bạn khác nữa và kỹ năng tiếp xúc của mình được tốt hơn, em nghĩ tại sao mình không thử, mình cứ đến đất nước này xem sao, nếu mà không được thì năm sau mình có thể về, nhưng mà thực chất qua bên này em thấy được nên em tiếp tục học.”

Còn Thiên Loan thì cho rằng điều quan trọng không phải là đất nước mà bạn đến ra sao mà là trường đại học bạn sẽ theo học như thế nào:

“Cũng như Giang nói thì đây là một trường đặc biệt có 13 nước của châu Á và cái vùng đặc biệt của nó là Trung Đông chứ không phải là phía (Đông Nam Á) như Lào, Campuchia và Việt Nam mà là phía Bangladesh, Nepal, Sri Lanka. Thực tế Việt Nam mình có rất là ít kiến thức về những nước đó, thậm chí khi mà em bước đến đất nước Bangladesh này, học chung với các bạn em cũng không biết các bạn đến từ đâu và em có rất ít kiến thức về đất nước các bạn. Em chợt nhận ra rằng mặc dù cái nước này nghèo thật nhưng mà mình không đủ kiến thức về những thứ rất là đơn giản mặc dù những nước này em cảm thấy càng học thì em cảm thấy người ta có những điều rất là hay.” 

Loan cũng cho rằng có nhiều điều mà các bạn chỉ có thể học được ở một đất nước như Bangladesh chứ không phải ở các nước phát triển như Anh, Úc, Mỹ:

“Khi mà ra đường mình thấy cái sự nghèo khó, rồi mình thấy người dân cực khổ làm việc, nói chung thấy nhiều cái nó rất gần gũi với mình, bỗng nhiên trong người mình nó có một cái gì đó thúc giục mình phải cố gắng. Cái sự nghèo đó nó đọng lại trong mình rất là nhiều bởi vì Việt Nam mình đã từng như vậy. Em nghĩ nó sẽ có ảnh hưởng hay hơn là đến những nước Anh, ÚcMỹ. Hiện tại em thấy những học sinh ở những nước đó người ta có điều kiện ăn chơi nhiều hơn, đó là sự thật, có cơ hội học ở những nước nghèo cũng có cái lợi của nó và có thể giữ được cái phần truyền thống, cái vẻ đẹp nào đó.”

Hai bạn Loan và Giang, đều là sinh viên năm thứ nhất, cho biết cơ hội được học tập ở một đất nước như Bangladesh không chỉ đem đến cho các bạn những kiến thức mới mẻ, mà còn thay đổi suy nghĩ và nhận thức của các bạn về đất nước và con người ở đây:   

“Người Việt Nam mình hay những nước khác trước khi đến Bangladesh thì thường nói rằng Bangladesh là một nước rất là nghèo và dân số chủ yếu là đạo hồi cho nên rất là bạo lực và nguy hiểm. Nhưng khi tiếp xúc với con người ở đây thì thực sự tụi em thấy là mình có một sự hiểu lầm về nhau. Em thấy thực sự mình không có liên lạc đầy đủ để hiểu con người người ta như thế nào. Thực ra em học với rất nhiều bạn đạo Hồi và không phải ai cũng bạo lực và em thấy các bạn rất tốt. Cho nên là khi mà mình tiếp xúc nhiều thì em thấy là mình đã có một nhận thức sai lầm về những người đạo Hồi, không phải ai cũng vậy.” 

Trường AUW nhắm mục tiêu là đào tạo những phụ nữ trẻ có tiềm năng để sau này họ có thể trở thành những nhà lãnh đạo tương lai tại đất nước mình. Khi được hỏi, nếu sau này được trở thành lãnh đạo của Việt Nam, ưu tiên hàng đầu của các bạn sẽ là gì, hai bạn đều cho rằng điều đầu tiên các bạn sẽ làm là cải cách và thay đổi hệ thống giáo dục của Việt Nam để sinh viên sau này không phải chịu những bức xúc mà các bạn đã từng trải qua:

“Em cảm thấy nền giáo dục của mình không thống nhất giữa mảng phổ thông và đại học và nước mình cũng mới có sự cải cách giáo dục mà cái sự cải cách đó càng làm cho sự không đồng nhất tăng thêm rất là nhiều. Ví dụ như học sinh học phổ thông muốn đạt học sinh giỏi thì bây giờ điều kiện rất là khắt khe, tất cả các môn học phải đều. Nhưng mà mình vẫn giữ chế độ thi đại học chỉ có 3 môn, như vậy thì em cảm thấy không công bằng cho lắm bởi vì học sinh nào đặt mục tiêu trở thành học sinh giỏi thì những em đó nó sẽ học rất đều, như vậy thì nó sẽ không tập trung vào 3 môn để thi vào đại học. Cái trường hợp đấy em trải qua rồi, em cố gắng để được học sinh giỏi, em học rất là đều nhưng khi thi vào đại học thì điểm lại không cao và như vậy em sẽ không vào được những trường tốt. Cái sự không đồng nhất đó nó làm cho em cảm thấy cái sự giáo dục của mình nó không có chất lượng.”

Một điều quan trọng nữa mà các bạn nhận thấy là ở Việt Nam sinh viên Việt Nam chưa được tôn trọng quyền tự do và cách giáo dục của Việt Nam còn mang tính áp đặt khiến cho kiến thức của sinh viên rất hạn chế:  

“Ý em là mình học 13 môn thật, nhưng nội dung của nó không được đầy đủ. Em lấy ví dụ về mảng chính trị, không phải em có ý gì không đồng ý với chính phủ Việt Nam, nhưng mà khi em qua đây học thì em học được về chế độ dân chủ và nhiều chế độ khác nữa, thì em cảm thấy là sinh viên Việt Nam cần được tôn trọng quyền tự do và nên được cung cấp và nên được dậy một cách đa dạng về các hệ thống chính trị khác nhau, về hệ thống kinh tế khác nhau, hoặc là được biết nhiều hơn về những chiến tranh nội bộ lủng củng ở Việt Nam. Rõ ràng là những cái đó nhà nước mình cấm, nhưng mà em cảm thấy sinh viên bây giờ càng ngày càng phát triển và hãy để cho sinh viên có thể thật sự tiếp xúc với nhiều kiến thức đa dạng, ví dụ như xã hội chính trị. Vấn đề đó thì để sinh viên tự mình phát triển và suy nghĩ, còn em thấy bây giờ giáo dục của mình hơi áp đặt, các bạn sinh viên ở Việt Nam bây giờ chỉ học được tư tưởng Hồ chí Minh, chỉ học được chủ nghĩa Mác-Lê Nin, rồi chỉ biết chế độ của mình thôi, thì em thấy như vậy cái kiến thức của mình rất giới hạn.”

Theo Loan và Giang với việc giáo dục kiểu áp đặt như vậy, kiến thức của sinh viên Việt Nam thua kém rất nhiều so với bạn bè trong khu vực hay thậm chí cả sinh viên ở những nước nghèo hơn Việt Nam:

“Thậm chí tụi em khi mà bước vào môi trường quốc tế này, cái giai đoạn bước ra khỏi lớp 12 và bước lên môi trường đại học này so với các học sinh ở những nước này, mặc dù mình nói là nước người ta nghèo, nhưng những sinh viên khác người ta có một cái kiến thức rất rộng hơn tụi em. Cho nên tụi em thấy hệ thống giáo dục của mình còn dở nhiều lắm và thậm chí khả năng tiếng Anh của tụi em cũng dở hơn các bạn rất nhiều. Cho nên em nghĩ hệ thống giáo dục của mình cần phải thay đổi.” 

Trường đại học châu Á dành cho phụ nữ mới chỉ được thành lập cách đây 4 năm và bắt đầu các chương trình đào tạo các đây 2 năm, tuy chưa biết bằng cấp sau này của các bạn sẽ được đánh giá như thế nào, cả Loan và Giang đều tin rằng những kiến thức mà các bạn học hỏi được ở trường đại học này rất quí giá. Họ nói rằng nếu các bạn nữ trẻ ở Việt Nam muốn nâng cao kiến thức mà không chỉ đi học để lấy bằng cấp thôi và dám chấp nhận thử thách thì hãy xin theo học tại ngôi trường này.

Quí vị có thể tìm hiểu thêm về trường Đại học Châu Á dành cho Phụ nữ tại địa chỉ https://www.asian-university.org

Theo VOA


 https://www.vietmenchurch.tk - Vietnamese Mennonite Church © 2010 All rights reserved.

Email: vietmenchurch09@gmail.com - Tel: (084) 8107163