Ân Điển Lạ Lùng

Ân Điển Lạ Lùng

YMI - Theo Kenneth W. Osbeck

Ân Điển Lạ Lùng - Amazing Grace
Lời của John Newton, 1725- 1807
Nhạc từ Carrell and Clayton’s “Virginia Harmony”, 1831

Kính thưa quý thính giả,

Ở một nghĩa trang nhỏ trong khu vực của một nhà thờ tại vùng Olney, Anh quốc, thì có một bia mộ lớn bằng đá hoa cương có khắc những dòng chữ như sau: “John Newton, một mục sư, đã từng là một kẻ vô đạo và tự do tư tưởng, một người làm tôi tớ cho dân buôn nô lệ tại Phi Châu, bởi ơn khoan hồng bao la của Chúa chúng ta là Chúa Cứu Thế Jesus Christ, đã được bảo tồn, đã được dựng lại nên mới, được tha thứ cho, và được giao cho trọng trách rao truyền ra Đức Tin mà người này từ bao lâu trước đó đã dầy công tiêu diệt.” Lời làm chứng này được viết bởi chính John Newton trước khi tạ thế, đã mô tả đầy đủ cuộc đời khác thường và muôn sắc của người đàn ông này, một nhà truyền bá Tin Lành vĩ đại của thế kỷ thứ 18.

Mẹ của John Newton, là một người đàn bà hết lòng yêu mến Chúa, qua đời khi ông chưa lên bảy tuổi. Khi cha của ông tái hôn và sau vài năm ngắn ngủi đi học ở nội trú xa nhà, thì John bỏ học và đi theo tàu của cha mình lúc ông lên 11 tuổi để bắt đầu cuộc đời của một kẻ sống trên biển cả. Những năm tháng đầu khi bước vào đời thủy thủ của ông là một chuỗi ngày chống nghịch đầy phiến loạn trác táng và trụy lạc. Sau một thời gian làm nghề đi thu bắt nô lệ để bán cho những con buôn trên nhiều con tàu khác nhau cũng như trên các hòn đảo và những vùng đất liền của vùng duyên hải phía Tây của Châu Phi, John Newton đã trở nên thuyền trưởng của một con tàu của chính mình chuyên buôn bán nô lệ. Không cần phải nói thì chúng ta ai cũng biết là, cái việc đi bắt cóc, buôn bán và chuyên chở những người nô lệ da đen cho các đồn điền ở Tây Ấn Độ và Hoa Kỳ là một lối sống dã man và quỷ quyệt vô cùng.

Vào ngày 10 tháng ba năm 1748, trên đường trở về Anh quốc từ Phi Châu, trong một chuyến đi đầy bão tố khi mà tất cả cơ ngơi của mình có thể bị mất đi trong chớp mắt, thì John Newton đã bắt đầu đọc cuốn sách của Thomas A Kempis có tựa là ‘Hãy bắt chước Chúa Cứu Thế’. Ông Thomas A Kempis là một vị tu sĩ người Đức, 1380- 1471, thuộc một dòng đạo mang tên là ‘Anh em của cuộc sống chung’, Brethen of the Common Life. Quyển sách này vẫn còn được ấn bản ngày nay như thể là một tài liệu tôn giáo rất hay. Chính sứ điệp của quyển sách ấy và kinh nghiệm hãi hùng của chuyến hải hành đã được Chúa Thánh Linh dùng để gieo vào lòng của John Newton hạt giống của sự thay đổi biến hóa tấm lòng và tự cá nhân tiếp nhận Chúa Cứu Thế là Cứu Chúa của đời sống ông sau đó.

Những năm kế tiếp sau đó ông vẫn tiếp tục là một thuyền trưởng tàu buôn nô lệ, cố gắng minh chánh hóa cho việc làm của mình bằng cách tìm những đường lối cải tổ để làm cho điều kiện sinh sống được thoải mái hơn, đến cả việc hướng dẫn những buổi thờ phượng chung cho đám thủy thủ chai lì khoảng ba mươi người mỗi Chúa Nhật. Cuối cùng thì ông cảm thấy bị lên án bởi những việc làm vô nhân đạo của mình và từ đó ông đã trở nên một người chống đối mạnh mẽ việc buôn bán nô lệ.

John Newton quay trở về Anh quốc và lập gia đình với một thiếu nữ trẻ trung tên là Mary Callet vào ngày 12 tháng 2 năm 1750 và từ đó làm công chức tại cảng Liverpool trong vòng 9 năm trời. Trong khoảng thời gian đó ông cảm nhận được tiếng gọi của Đức Chúa Trời thôi thúc ông đi rao truyền Tin Lành cho nên ông đã bắt đầu cố công học hỏi ngày và đêm cho chức vụ mới của mình. Ông đã được giúp đỡ và cổ động bởi nhà truyền giáo George Whitefield cũng như là những người của dòng họ Wesleys, nhưng ông quyết định đứng trong tổ chức của Anh Quốc Giáo chứ không gia nhập vào nhóm này. Vào năm ông 39 tuổi thì ông được tấn phong bởi nhà thờ Anh Quốc Giáo và bắt đầu mục vụ của mình tại ngôi làng nhỏ Olney gần Cambridge, Anh quốc. Những việc làm của ông trong thời gian 15 năm sau đó (1764- 1779) là những linh vụ có nhiều kết quả và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất.

Kết quả đến nhiều nhất là từ việc ông đã dùng câu chuyện của chính cuộc đời mình khi trước và những kinh nghiệm được biến đổi của ông, là những điều mà ông luôn luôn kể lại. Cộng vào việc giảng dậy cho các buổi nhóm đã được giáo hội ấn định, ông còn thường xuyên tổ chức các buổi nhóm trong các nơi rộng lớn mà ông có thể tìm được ở vùng xung quanh đó. Đây là một sinh hoạt chưa bao giờ được thực hành bởi một người thuộc hàng giáo phẩm của Anh Quốc Giáo từ trước đến giờ. Chỗ nào ông truyền giảng thì những đám đông lớn người ta tụ tập lại để nghe những gì mà ‘Ông thuyền trưởng già được Chúa cải biến’ nói chuyện.

Một việc làm hơi khác thường nữa của John Newton ở nhà thờ Olney là việc cho hát những bài thánh ca bày tỏ đức tin đơn sơ, cảm xúc từ tấm lòng từ những sự giảng dậy của ông thay vì chỉ hát những thánh ca viết ra từ sách Thi Thiên của các tác giả Sternhold và Hopkins, là việc thường xẩy ra ở các nhà thờ Anh Quốc Giáo khác. Khi ông không thể tìm được bài hát phù hợp với mục đích của ông thì ông đã tự mình viết ra thánh ca để sử dụng trong các buổi thờ phượng. Để được phụ giúp ông đã tuyển chọn người bạn và cũng là người hàng xóm của ông tên là William Cowper, một người có tài viết sách văn chương cổ điển có tiếng vào thời đó. Vào năm 1779 sự hiệp tác của hai người này đã cho ra đời quyển thánh ca nổi tiếng là ‘Thánh Ca Olney’, là một trong những đóng góp quan trọng nhất cho nền thánh nhạc Tin Lành. Trong bộ 349 bài thánh ca đầy hoài bão này thì 67 bài là do ông William Cowper viết còn số bài còn lại là những sáng tác của John Newton. Mục đích của quyển thánh ca này theo lời của ông John Newton là “để làm tăng trưởng đức tin và sự bình an của những Cơ Đốc nhân chân chính”.

Vào năm 1947 thì có một tập tục vui vẻ đáng chú ý đã được phục hồi lại tại nhà thờ Olney. Đó là cuộc ‘Chạy đua bánh xèo’ tổ chức mỗi năm vào ngày thứ Ba trước khi bước vào Mùa Chay vào tháng Ba. Các phụ nữ trong giáo hội chạy đua từ trung tâm thành phố đến đích cuối cùng là nhà thờ , vừa chạy vừa lật bánh xèo trong chảo. Vào buổi lễ ở nhà thờ thì tên của người thắng cuộc được đề xướng và sau đó hội chúng cùng ca bài ‘Ân Điển Lạ Lùng’ và các bài thánh ca khác từng được ưa chuộng tại nhà thờ này.

Khi đã chấm dứt chức vụ của mình tại Olney, ông John Newton lại làm mục sư trong vòng 28 năm sau của cuộc đời mình tại nhà thờ St Mary Woolnoth, là một nhà thờ có rất nhiều uy thế tại Luân Đôn. Trong số những người mà ông mang về cho Chúa tại đó có ông Claudius Buchanan là người đã trở thành nhà truyền giáo cho West Indies và Thomas Scott là người dẫn giải Thánh Kinh. Đến lúc này thì John Newton đã thiết lập được một mối quan hệ thân thiết chặt chẽ với ông William Wilberforce và nhiều nhà lãnh đạo chính trị gia quan trọng đã cùng tham gia vào cuộc tranh đấu bài trừ việc buôn bán người nô lệ. Điều đáng chú ý là năm ông qua đời là năm 1807 cũng chính là năm mà quốc hội Anh triệt bỏ hoàn toàn sự chiếm hữu nô lệ trên tất cả vương quốc họ.

Vào năm 1790 thì vợ của ông John Newton qua đời vì bệnh ung thư. Bà Mary đã là người vợ yêu dấu suốt 40 năm của ông, bà là một người đàn bà hết sức tận tụy và đầy khích lệ cho chồng, nhưng nay ông John phải đương đầu với 27 năm dài sống không có bà ở bên cạnh. Đến năm 1893 thì hài cốt của hai người được người ta cải táng chung với nhau vào nghĩa trang của nhà thờ Olney, nơi mà ngày nay tấm bia mộ lớn bằng đá hoa cương vẫn còn được trông thấy.

Cho đến tận lúc chết vào tuổi 82 thì ông John Newton chẳng bao giờ ngưng thôi lấy làm lạ lùng về ơn thương xót khoan dung và ân điển của Đức Chúa Trời đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của ông. Đây luôn là đề tài chính của những gì mà ông rao giảng và viết xuống. Chẳng bao lâu trước khi ông mất thì đã có một chấp sự đại diện của giáo hội đến đề nghị với ông rằng ông hãy về hưu hạ đi thôi vì sức khỏe ông đã yếu lắm rồi, mắt nhìn và trí nhớ cũng đã lu mờ. Ông John Newton đã trả lời người ấy như thế này: “Ông bảo cái gì? Cái lão già ăn nói báng bổ ở Phi Châu kia có chịu ngậm miệng lại bao giờ khi mà hắn còn vẫn nói được?”. Trong một lần khác trước lúc tạ thế ông đã tuyên bố bằng một giọng mạnh mẽ trong một sứ điệp như thế này: “Trí nhớ của tôi sắp mất rồi, nhưng có hai điều tôi không có bao giờ quên: đó là tôi là một đại tội nhân và Chúa Cứu Thế là một Đấng Cứu Tinh Vĩ Đại!”.

Chúng ta có thể chẳng nghi ngờ gì khi nói rằng biểu hiện sáng chói nhất của cuộc đời của John Newton là bản thánh ca ‘Ân Điển Lạ Lùng’ của ông. Bài thánh ca nguyên thủy là một bài thơ sáu đoạn có tựa đề là ‘Xem xét và trông đợi trong đức tin’ dựa trên lời Chúa trong Kinh Thánh sách 1 Sử Ký 17:16-17: Vua Đa-Vít vào, ngồi trước mặt Đức Giê-Hô-Va, mà thưa rằng: Giê-Hô-Va Đức Chúa Trời ôi! Tôi là ai và nhà tôi là gì, mà Chúa đem tôi đến đây? Đức Chúa Trời ôi! ơn đó Chúa lấy làm nhỏ mọn thay; nhưng Giê-Hô-Va Đức Chúa Trời ôi! Chúa có hứa ban ơn cho nhà tôi tớ Chúa trong buổi tương lai đến lâu dài và có đoái xem tôi theo hàng người cao trọng!

Nhạc điệu của bài ‘Ân Điển Lạ Lùng’ là một điệu dân ca thời ban đầu của Hiệp chủng quốc. Điệu nhạc này phát xuất từ những đồn điền và người ta gọi điệu hát này là điệu ‘Những con chiên yêu dấu’. Điệu nhạc này được ghi chép và ấn bản lần đầu tiên trong một quyển sách mang tên là ‘Âm điệu Virginia’ được soạn thảo bởi James P. Carrell và David S. Clayton xuất bản năm 1831 tại Winchester, Virginia. Rất hiếm khi mà các tập thánh ca ở cuối thế kỷ thứ 19 mà lại không thấy có bài thánh ca ‘Ân Điển Lạ Lùng’ này.

Kính thưa quý thính giả,

Sách Ê-phê-sô 2:8-9 có ghi rằng: Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi Đức tin, mà anh em được cứu, đều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình.

Ước mong mỗi chúng ta đều khiêm nhu, cung kính tiếp nhận Hồng Ân Thiên Chúa ban cho mỗi đời sống chúng ta.

 


 https://www.vietmenchurch.tk - Vietnamese Mennonite Church © 2010 All rights reserved.

Email: vietmenchurch09@gmail.com - Tel: (084) 8107163