Khảo Cứu sách Rô-ma và Ga-la-ti (chương II Phần 1)

Khảo Cứu sách Rô-ma và Ga-la-ti (chương II Phần 1)

Câu 1-5

 

Chương 2.   (Phần 01 từ câu 1-5)

    Chương nầy cho biết về cuộc họp Hội đồng lãnh đạo của Hội thánh Chúa tại Hội thánh Giê-ru-sa-lem và điều Phao-lô(Paul) phản đối Phi-e-rơ(Peter)bởi ông Phi-e-rơ thiếu sự kiên quyết đối với Luật-pháp và rõ ràng trong chân lý của Phúc-âm ban Ân-điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời.  Tại đây cũng cho biết Phao-lô hiệp lại với các lãnh đạo để chống lại mọi sự công kích về Phúc-âm mà mục vụ của Phao-lô đã rao giảng và Hội đồng chấp nhận vì họ đã thông công với nhau.  Phao-lô đã mạnh tiếng cho sự “tự do” trong Đấng Christ(Gal 1:1-10; Congv 15:1-35)tại một cuộc hội họp bàn luận tại đây và ông tiếp tục công bố cách mạnh mẽ hơn khi gặp sứ đồ Phi-e-rơ(Gal 2:11-21). 

    Qua chương hai quí bạn đọc và tôi sẽ nghĩ ra ngay được vấn đề:  Hội thánh trong thế kỷ đầu tiên vẫn còn lầm lạc khi họ còn chất chứa đầy“Luật-pháp”trong sự Cứu-chuộc được Thiên Chúa ban cho cách không cần điều kiện và không phân biệt một ai cả!  Một cộng đồng đang đi giẹo hai bên”một giáo lý pha trộn Ân-điển và Luật-pháp.

    Ước ao, trong vòng chúng ta là những tín nhân Cơ-đốc đang sống trong giai đoạn sau rốt nầy, nên chú ý về lời Chúa và học một cách” cẩn thận làm theo”.  Sự cứu chuộc của Chúa Jesus Christ là ân điển đầy đủ cho mọi người tin và người tin cũng chỉ sống bằng đức tin.

    Để bài học được rõ ràng tôi xin quí bạn đọc xem lại những Cơ-đốc nhân ban đầu họ sống bằng tình yêu Thiên Chúa cách chân thật(Col 3:12; ITe 2:8; IITe 1:3) trong giai đoạn “ hổn tạp” giáo lý.  Nhiều giáo sư giả đã len lỏi vào trong Hội thánh gây ra những sự hoang mang cho tín hữu, nhất là những tín hữu Cơ-đốc giáo người Ngoại Bang.   Những Cơ-đốc nhân ban đầu nầy họ cậy năng quyền Thánh Linh mà gây dựng Hội thánh và giúp đỡ với nhau với cả sự chan chứa tình yêu mặn nồng của Thiên Chúa, họ sống với nhau cách chân thật để minh chứng Phúc-âm thật từ Chúa Jesus rao ra và đã trở nên những người bạn thân thiết với Phao-lô.  Còn về tình huynh đệ, anh em không cần ai viết cho anh em, vì chính anh em đã được Thiên Chúa dạy phải thương yêu nhau” (I Te 4:9; Giă 13:34, 15:12,17) ”Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thươngnhau.”(Giă 13:35). “Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi : tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Chúa Giê-su”.( Phi 1:8; Col 1:7 )

I. Những Cơ-Đốc Nhân Là Người Biết Yêu Nhau

  • "Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi”. (IPhi 4:8 )
  • Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt”. (Heb 10:24).
  • Nhờ vâng phục sự thật, anh em đã thanh luyện tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân thành. Anh em hãy tha thiết yêu mến nhau với tất cả tâm hồn”.( IPhi 1:22)
  • Sau hết, tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn”.( IPhi 3:8).

Chúng ta cùng nghiên cứu những nhân vật trong phần nầy đã được Thánh kinh ghi nhận

1/.    Ba-na-ba:

  • Ba-na-ba, đã yên ủi, tận tình giúp đỡ cho Phao-lô để Phao-lô tiếp cận vào dự buổi hội nghị nầy(Congv 9:26-28). 
  • Ba-na-ba, đã từng được công cử đến An-ti-ốt để ông xây dựng đức tin cho dân Ngoại(Congv 11:19-24).
  • Ba-na-ba, đã tạo cơ hội cho Phao-lô đến Hội thánh tại An-ti-ốt (Congv 11:25-26).  Họ hòa hiệp với nhau để dạy dỗ và đồng thời cũng không quên công tác “từ thiện” giúp đỡ người nghèo tại nơi nầy(Congv 11:27-30). 
  • Ba-na-ba, đồng hành với sứ giả Phao-lô để truyền giáo chuyến khai phóng Phúc-âm đầu tiên(Congv 13:1-14:28)và họ đã trải nghiệm Thánh Linh, Thần của Đức Chúa Trời tuôn đổ trên Phúc-âm mà họ rao giảng.
  • Ba-na-ba, đã tham dự vào câu chuyện của thanh niên tên Giăng-mac, vì con người nầy đã “lui đi” trong chức vụ và có sự mích lòng với Phao-lô(Congv 13:13; 15:36-41)và qua đó một thời gian người thanh niên nầy có thay đổi, được Phao-lô có lời khen tặng và tình bằng hữu đậm đà từ nơi Giăng-mác(Col 4:10, 2Tim 4:11).

2/.  Tít:

    Một tín hữu Ngoại Bang, sau khi tin Chúa ông đã có cơ hội làm việc với Phao-lô và có thể bởi Phao-lô ông trở nên môn đồ của Đấng Christ(Tít 1:4).  Ông là “trái” kết đậu từ Phao-lô khi chức vụ Phao-lô rao ra giữa dân Ngoại và khi đến hội nghị thì Tít là một bằng chứng về kết quả nầy.  Trong những năm sau Tít cũng dự phần hầu việc Chúa với công tác giúp đỡ và giải quyết nhiều nan đề trong Hội thánh(2Cor 7:1-16; Tít 1:5).

3/.  Những lãnh đạo tại Giê-ru-salem: 

    Ba trụ cột của Hội thánh Giê-ru-sa-lem lúc bấy giờ gồm có các Sứ đồ: Phi-e-rơ; Giăng và Gia-cơ em cùng mẹ với Chúa Giê-su:

  • Các sứ đồ:

    Phi-e-rơ là một sứ đồ nổi bậc trong các sách Phúc-âm được nối tiếp nhiều việc lớn lao mà ông đã làm qua sách Công-vụ.  Phi-e-rơ là người đã từng mở cửa Thiên đàng bởi đức tin nơi Chúa Jesus cho dân Do-thái(Congv 2:1-47); Người Sa-ma-ri(Congv 8:1-40); cho người Ngoại(Congv 10:1-48)và cộng sự viên với ông là sứ đồ Giăng, họ là những người rất thân cận với Chúa Jesus cùng làm việc với nhau(Congv 3:1).

    Gia-cơ cũng là một trong bộ ba tại Hội thánh nầy họ cộng tác rất chặc chẽ với nhau trong Hội thánh đầu tiên(Congv 1:13-14).  Phao-lô đã mở cho chúng ta biết Chúa Jesus đã hiện ra với Gia-cơ, và điều nầy tương ứng với việc Phao-lô gặp Chúa Jesus đồng thời đây là bước ngoặc mới cho cuộc đời của Gia-cơ(1Cor 15:5-7).  Gia-cơ được tín nhiệm lúc bấy giờ với vai trò lãnh đạo Hội thánh Chúa tại Giê-ru-sa-lem(Congv 15:1-41, 21:18).  Gia-cơ cũng là người viết thư Gia-cơ, và qua thư ấy cùng với Công-vụ 21:18, cho chúng ta biết rõ ông là một người Do-thái chính gốc.

  • Kẻ Giả:

    Cùng với các sứ đồ, các trưởng lão(Congv 15:4,6)có một số kẻ giả mạo trà trộn cố tìm mọi cách để phá hoại sự tự do thật theo ân điển và sự bình an trong Đấng Christ tại các Hội thánh(Gal 4:2).  Một số giáo sư Do-thái giáo đã đi theo Phao-lô từ Hội thánh nầy đến Hội thánh khác khắp nơi để rồi sau đó sau đó họ quay lại lôi kéo tín hữu về việc tuân giữ luật pháp thêm vào ân điển của sự cứu chuộc bởi huyết Chúa Jesus.  Qua đó chúng ta nhận diện họ chỉ muốn tín hữu theo quan điểm của riêng mình.

    Những vị tiền nhân đã khai phóng Hội thánh Chúa ra cho dân Ngoại theo ý Thiên định, họ cũng có những khiếm khuyết trong cuộc sống, nhưng trong tâm trí họ vẫn được Đức Chúa Trời soi sáng để rao giảng một Phúc-âm tràn ngập ân điển của Thiên Chúa và trọng tâm của đức tin nơi Chúa Jesus là cội rễ cuối cùng(Heb 12:2-3).

II/. Các Lãnh Đạo Do-Thái Bàn Luận(Gal 2:12).

  1/.Bối cảnh: 

Đoàn truyền giáo của Phao-lô sau chuyến đi rao giảng Phúc-âm lần thứ nhất trở về An-ti-ốt, họ rất vui mừng hết lời ngợi khen Đức Chúa Trời vì Ngài đã mở cửa Phúc-âm cho dân Ngoại(Congv 14:27).  Nhưng những người Do-thái chủ luật tại Giê-ru-sa-lem bực tức về việc nầy; nên họ đã thân hành đến An-ti-ốt với lời dạy thêm rằng: một người Ngoại Bang phải trở nên người Do-thái trước khi trở thành tín hữu Cơ-đốc nhân(Congv 15:1)qua lễ cắt bì.

  • Phép cắt bì?:

    Phép cắt bì vốn là một nghi thức quan trọng của người Do-thái đã có từ thời Áp-ra-ham(Sáng 17:1-27).  Trong ý nghĩa khi một người chịu phép bì là họ đã công nhận và vâng theo các bộ luật Do-thái.  Điều nầy chứng tỏ họ chỉ mang một màu sắc tôn giáo và đã quên đi ý nghĩa thuộc linh sâu xa của nghi lễ nầy(Phục 10:16; Gier 4:1-4; Rom 2:25-29).

    Hội thánh Chúa ngày nay đánh mất ý nghĩa thuộc linh của bí tích thánh lễ Bap-têm và xem nó như một nghi thức bên ngoài.  Chúng ta cần lưu ý đây là sự kinh nghiệm sự cắt bì trong lòng(Col 2:10-11) và không cần phải thực hiện cuộc giải phẩu nào(Phil 3:1-3).

  • Cuộc tranh luận: 

    Phao-lô đã trình bày về chân lý thật của Phúc-âm nên đã xảy ra cuộc cãi lẽ dữ dội(Congv 15:2) vì không đi đến sự hiệp nhất nên mọi người quyết định được vần đề nầy về Hội thánh Giê-ru-sa-lem trình ra trước các lãnh đạo lúc bầy giờ(cuộc hội nghị nầy không phải là cuộc họp đại biểu từ các Hội thánh như ngày nay).

    Đoàn truyền giáo gồm ba người từ An-ti-ốt về: Phao-lô, Ba-na-ba, Tít và cùng nhiều người khác tới tham dự họ là những thành phần đại diện tiêu biểu cho các tín hữu người Ngoại Bang tại các Hội thánh do Phao-lô truyền giảng và thành lập.  Chúng ta thấy Phao-lô không đi theo đoàn do Hội thánh cử nhưng ông đi riêng theo lệnh Chúa sai ông(so sánh Gal 2:1, 1:12), Cung cách đi trên đường của Phao-lô cho thấy ông không một chút nghi ngờ(Congv 15:3) và Thánh Linh của sự khôn ngoan đã ở trên ông nên ông và các lãnh đạo gặp nhau trước để họ có ý kiến thống nhất trước khi cuộc họp chung.

    Điều Phao-lô quan tâm là tương lai của Phúc-âm giữa vòng người Ngoại vì ông đã xác định cách rõ ràng chức vụ của ông đem Phúc-âm đến cùng dân Ngoại và ông đã được nhận nơi Đấng Christ.  Trong hoàn cảnh nầy, nếu các nhà lãnh đạo Hội thánh Giê-ru-sa-lem ngã vể phía các giáo sư Do-thái hoặc họ thỏa hiệp thì chức vụ của Phao-lô sẽ lâm nguy.  Sự khôn của Phao-lô cho chúng ta bài học nếu không bàn thảo trước với các lãnh đạo nầy có thể có sự xung đột và gây chia rẽ.

  • Kết quả: 

Các sứ đồ và các trưởng lão chấp nhận Phúc-âm Phao-lô rao giảng.  Họ thống nhất không thêm vào điều gì(Gal 2:6b) và đại điện các lãnh đạo tuyên bố các giáo sư Do-thái là sai.  Nhưng đây chỉ là mới bắt đầu!           

III/.  Cuộc Họp (Gal 2:3-5).

  • Trước giả ghi nhận về cuộc Hội nghị tại Giê-ru-sa-lem lịch sử nầy (Congv 15:6-21).  Những thành viên trong Hội thánh bày tỏ ra những lý luận tán thành Phúc-âm của ân điển Đức Chúa Trời, bắt đầu bằng Phi-e-rơ(Congv 15:7-11).  Qua sách Công-vụ cho biết Phi-e-rơ là một sứ đồ đã khởi rao Tin lành ra cho người Ngoại bang (Congv 10:1-48) và ông cũng tuyên bố Đức Chúa Trời ban Thánh Linh Ngài cho mọi người tin không có sự khác biệt nào.
  • Đây là một thay đổi lớn trong vòng người Do-thái khi trở thành tín hữu Cơ-đốc nhân.  Hội thánh Chúa ban đầu nầy thật rất khó vì người Do-thái đã in hằn sự kỳ thị và dẫn đến khác biệt giữa dân Giu-da và người Ngoại Bang(Lev 11:43-47; 20:22-27).  Chính tại thập tự giá mà Chúa đã chịu chết Ngài đã phá vỡ bức tường luật pháp, văn hóa…(Eph 2:11-22)và sự cách biệt với mọi người không còn(Gal 3:28).  Với tư cách là một sứ đồ của Chúa Jesus, Phi-e-rơ nói rõ cho mọi người tại Hội nghị rằng chỉ một con đường duy nhất để nhận sự cứu rỗi là có đức tin nơi Chúa Jesus Christ.
  • Phao-lô đại diện cho các nhân sự đi chung để trình bày cho Hội đồng về việc rao giảng Phúc-âm của mình được ấn chứng qua những “trái” làm minh chứng cho ân điển từ Thiên Chúa không phân biệt mà còn dư dật của sự cứu rỗi, mà Đức Chúa Trời muốn cứu mọi người trong Thiên ý định(Congv 15:12).  Các lý luận khác của một số người Do-thái có chủ thuyết theo Luật đã chất vấn họ, nhưng không làm họ thất bại vì chân lý cứu chuộc là thuộc về Thiên ý định mà Phao-lô được Thiên sai giảng ra cho dân Ngoại(Gal 2:5).  Bằng chứng hay Thánh Linh Chúa đã ấn chứng việc rao Phúc-âm cho dân Ngoại , nên Ngài cho phép Tít là một nhân vật”điển hình”được bày ra để mọi người trong hội nghị xem xét, Tít chưa bao giờ chịu cắt bì.  Tuy vậy, ông vẫn được cứu rỗi chỉ bởi tin nhận Chúa Jesus.  Trong trường hợp nầy nếu người Do-thái đúng thì Tít và một số người khác phải chịu phép cắt bì theo luật pháp Moi-se để được cứu(Congv 15:1).  Chúng ta đã thấy rõ ràng Thánh Linh Chúa đã hành động, Ngài đã vùa giúp và giơ tay Ngài ra trên công việc rao truyền Phúc-âm của Phao-lô khiến Tin lành của sự cứu rỗi đã bùng nổ khắp nơi.  Qua đó chúng ta là người Việt Nam đã nhận Phúc-âm cách nhưng không.  Rõ ràng người Do-thái lúc bấy giờ đã sai hoàn toàn!
  • Dầu vậy, chúng ta cũng không bỏ qua trường hợp của một cộng sự viện đắc lực cho Phúc-âm là Ti-mô-thê.  Ông đã cộng tác với Phao-lô và trở nên một mục sư trẻ tuổi lúc bấy giờ(Congv 16:1-3).  Phao-lô bất chấp việc cắt bì cho Tít, nhưng ông lại đồng ý cắt bì cho Ti-mô-thê, vì Ti-mô-thê mang hai dòng máu: Do-thái và dân Ngoại Bang, thật ra Phao-lô không chấp nhận dùng luật pháp để chinh phục Ti-mô-thê cho Đấng Christ, nếu không được cắt bì Ti-mô-thê rất khó có thể thi hành chức vụ giữa dân Do-thái.  Tít hoàn toàn là người Ngoại Bang, nếu ông chịu cắt bì thì ông đã đánh mất điểu gì đó trong kinh nghiệm là người Cơ-đốc của mình.  Thực hiện cắt bì cho Tít coi như là việc làm hèn nhát và thỏa hiệp; còn không cắt bì cho Ti-mô-thê sẽ tạo ra những khó khăn không cần thiết cho chức vụ.

* Kết thúc cuộc họp:  Gia-cơ (người Do-thái chính gốc) người lãnh đạo Hội thánh lúc nầy đã tóm tắt các lời lẽ trong cuộc họp và kết luận vấn đề(Congv 15:13-21):

  • Người Ngoại Bang không cần phải trở nên người Do-thái mới trở thành Cơ-đốc nhân.
  • Chương trình cứu chuộc từ Thiên ý định Ngài cứu luôn dân Ngoại và người Do-thái ra thành một dân cho danh Ngài.
  • Người Do-thái và người Ngoại Bang đều nhận được nhận điển như nhau bởi cùng một đức tin nơi Chúa Jesus.
  • Ngoài ra, tín hữu người Do-thái cần giúp đỡ người Ngoại Bang và không làm điều gì để xúc phạm đến người Do-thái chưa tin hoặc không tin.

    Phao-lô đã thành công về việc bàn luận tại đây và tại hội nghị đã đem lại đức tin vững vàng hơn cho dân Ngoại đã tin Chúa.

Kết lại:  Việc cắt bì như là ách nô lệ đánh mất sự tự do thật trong Christ(Gal 5:1), Phi-e-rơ đã từng khuyến cáo tương tự(Congv 15:10).  Qua bài học nầy Cơ-đốc nhân dân Ngoại ngày nay phải tạ ơn Chúa nhiều hơn vì Ngài đã sử dụng một Phao-lô kiên cường biết đấu tranh cho ”chân lý Phúc-âm”(Gal 2:5,14).  Ngày nay, kẻ thù của ân điển Thiên Chúa luôn tìm cách thêm vào Phúc-âm đơn sơ.  Họ dạy dỗ mọi người muốn được cứu phải có đức tin cộng thêm các việc lành, mười điều răn, phép Bap-têm và các nghi lễ tôn giáo…

    Chúng ta nên lưu ý, Phao-lô đã nguyển rủa cho những ai rao giảng một Phúc-âm nào khác hơn ngoài Phúc-âm của ân điển Đức Chúa Trời, với trung tâm điểm là Chúa Jesus Christ (Gal 6-9).  Định nghĩa về Phúc-âm thật rõ ràng qua thư tín  1Cor 15:1-7, nếu ai đó đã sửa đổi Phúc-âm là một việc làm nguy hiềm vô cùng.  Tôi tớ của Chúa Jesus không nhượng bộ, thuận phục  những kẻ giả hình để lẽ thật Tin lành được vững bền.  Amen!

Mục sư Lê Quí Hữu

 

Topic: Khảo Cứu sách Rô-ma và Ga-la-ti (chương II)

No comments found.

New comment


 https://www.vietmenchurch.tk - Vietnamese Mennonite Church © 2010 All rights reserved.

Email: vietmenchurch09@gmail.com - Tel: (084) 8107163